Sách hay nhất của Haruki Murakami

Tác giả Haruki Murakami, nhà văn, dịch giả Nhật Bản nổi tiếng. Sách của Haruki Murakami đi sâu vào bản thể con người, có cốt truyện độc đáo và ngôn từ tinh tế, lồng ghép các sự kiện, quan điểm và cái nhìn của tác giả về con người, văn hóa và xã hội.

Sách hay nhất của Haruki Murakami

Kafka Bên Bờ Biển

Kafka Bên Bờ Biển

Kafka Tamura, mười lăm tuổi, bỏ trốn khỏi nhà ở Tokyo để thoát khỏi lời nguyền khủng khiếp mà người cha đã giáng xuống đầu mình. Ở phía bên kia quần đảo, Nakata, một ông già lẩm cẩm cùng quyết định dấn thân. Hai số phận đan xen vào nhau để trở thành một tấm gương phản chiếu lẫn nhau.

Trong khi đó, trên đường đi, thực tại xào xạc lời thì thầm quyến rũ. Khu rừng đầy những người lính vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh vừa qua, cá mưa từ trên trời xuống và gái điếm trích dẫn Hegel. Kafka bên bờ biển, câu chuyện hoang đường mở đầu thế kỷ XXI, cho chúng ta đắm chìm trong một chuyến du hành đầy sóng gió đầy chất hiện đại và mơ mộng trong lòng Nhật Bản đương đại.

Haruki Murakami, nhà văn Nhật đương đại nổi tiếng với những tác phẩm như Rừng Nauy; Xứ sở kỳ diệu vô tình và Nơi tận cùng thế giới; Phía Nam biên giới, Phía Tây mặt trời; Người tình Sputnik, Biên niên ký chim vặn dây cót và Kafka bên bờ biển.

Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót

Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót

Câu chuyện đưa ta đến nước Nhật thời hiện đại, với những thân phận con người bé nhỏ, lạ lùng. Những cô bé 15 tuổi, như Kasahara May, ngồi sau xe môtô phóng với tốc độ kinh hoàng, vươn tay bịt mắt bạn trai phía trước. Sau tai nạn, bạn trai qua đời, chỉ còn lại mình cô với nỗi day dứt khôn nguôi: “Chính vì có cái chết, người ta mới phải băn khoăn nhiều đến thế về sự sống.”

Những thiếu nữ, như Kano Kreta, tự kết liễu đời mình để giải thoát những cơn đau triền miên có thể gặp phải bất cứ lúc nào, vì bất cứ điều gì nhưng không thành. Phải trả nợ một khoản tiền lớn cho hãng bảo hiểm, không do dự, cô đi làm gái điếm. Những Dân biểu nghị viên như Wataya Noburu, leo cao trong danh vọng nhờ tài lừa dối đám đông và khả năng khơi dậy những bản năng sa đọa ở người khác.

Trong thế giới ấy, nhân vật chính của Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót, Okada Toru, chàng trai giản dị và chân thành, phải đối mặt với biến cố lạ lùng: Kumiko, người vợ yêu dấu của anh bỗng nhiên biến mất không một lời nhắn gửi. Sự kiện phi lý này khơi nguồn cho sự thức tỉnh trong Okada, thúc đẩy anh ngắm nhìn, chứng nghiệm lại thế giới tràn đầy cái phi lý chung quanh mình, bằng con mắt bản thể..

Rừng Na Uy

Rừng Na Uy

Bất chợt lắng nghe bài hát mà nàng vẫn ưa thích nhất của Beatles, Toru Watanbe hồi tưởng lại mối tình đầu của mình với Naoko, người yêu của người bạn thân nhất là Kizuki. Ký ức ngay lập tức mang anh trở về những ngày sinh viên của 20 năm trước , ở Tokyo, những ngày chơi vơi trong một thế giới của tình bạn khó khăn, của tình cảm buông thả, của đam mê mất mát, trở về cái thời mà một cô gái mạnh mẽ tên là Modori đã bước vào cuộc đời anh, khiến anh phải chọn lựa, hoặc tương lai, hoặc quá khứ..

Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời

Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời

Cuốn tiểu thuyết chứa đựng nhiều nhất con người thật của Haruki Murakami và là câu chuyện đơn giản nhất mà Murakami từng kể. Tuy vậy, đơn giản không có nghĩa là dễ hiểu, và một lối kể chuyện giản dị không loại bỏ những nỗ lực kín đáo trong việc thoát ra khỏi những lối đi văn chương đã cũ mòn.

“Sự kết nối” dễ thấy giữa Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời và những tác phẩm khác của Murakami có lẽ là năng lực đặc biệt của nhà văn Nhật Bản đối với cách tạo ra và xử lý cái bí ẩn. Không có mật độ dày đặc như trong Biên niên ký chim vặn dây cót hay Kafka bên bờ biển, cái bí ẩn ở đây giống như những đoạn nhạc jazz biến tấu ngẫu hứng trên nền của những bản nhạc cũ, và chính là cái để lại dư vị lâu nhất cho người đọc.

“Có những gì?” có lẽ là câu hỏi mà cuốn sách nhỏ của Haruki Murakami đặt ra. Có những gì ở phía Nam biên giới, khi đó không chỉ là nước Mêxicô. “Có những gì” ở phía Tây mặt trời, khi đó không chỉ là một chứng bệnh của những người nông dân Xibêri sống trong cảnh ngày đêm không phân cách.

Và có những gì trong những diễn tiến cuộc đời mỗi con người? Không chỉ cuộc đời ít chi tiết của Shimamoto-san mới gây băn khoăn, mà ngay cả ba giai đoạn được miêu tả hết sức rõ ràng của cuộc đời Hajime cũng không hoàn toàn làm thỏa mãn những người quen với những văn chương được tác giả chú tâm giải thích kỹ càng.

Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời không yêu cầu người đọc diễn giải. Rất nhiều chi tiết trong đó thuộc về “tiểu sử ngoài đời” của Murakami, nhưng câu chuyện đơn giản được kể trên nền nhạc của Nat King Cole và Duke Ellington, với hương vị lạ lùng của những ly cocktail Daiquiri và Robin’s Nest có một khả năng đặc biệt: nó không cho phép mọi cách giải thích dễ dãi..

Cuộc Săn Cừu Hoang

Cuộc Săn Cừu Hoang

Nhật Bản những năm 80 của thế kỷ trước, một nhân vật chính không tên, ly dị vợ, công việc nhiều tiền nhưng nhàm chán, thông minh nhưng đời lại chẳng có gì kích thích hắn nghĩ suy – Cuộc săn cừu hoang rõ ràng được đặt trên nền một thực tế quen thuộc của thời hiện đại.

Một không khí hững hờ và uể oải theo người đọc vào cả một thế giới hoang đường, và không rời bỏ ngay cả khi câu chuyện diễn tiến đến những tình tiết gay cấn nhất của cuộc săn săn cừu hoang kỳ lạ, hay những đoản khúc gợi cảm u sầu với cô gái có đôi tai đẹp khác thường.

Murakami đã hư cấu ngay trên nền thế giới thực và tạo nên một tiểu thuyết như mơ. Có lẽ tiểu thuyết nên được đọc theo cách ấy: như mơ một giấc thật sâu, đến mức dẫu phần lý trí trong ta vẫn biết là nó không có thật, nhưng khi tỉnh lại và tiếp tục sống đời mình, đâu đó trong tim ta vẫn vương vấn khôn nguôi.

Nhảy Nhảy Nhảy

Nhảy Nhảy Nhảy

Một ám ảnh khôn nguôi về một chốn vừa xác định vừa bí ẩn – Khách sạn Cá Heo, cùng tiếng khóc âm u não nuột của một người đàn bà trong bóng tối của giấc mơ: chừng đó là đủ để lôi chàng trai xưng tôi – nhân vật chính của chúng ta – vào một cuộc phiêu lưu mới, nơi anh sẽ vừa chứng kiến vừa bị dính mắc vào một mê cung của những cái chết bất ngờ và những vận hành của một thứ mưu đồ có sẵn mà nhiều lúc hình như quá mạnh, không thể hiểu so với anh.

Và trong cõi mê cung ấy anh gặp lại Người Cừu, gặp những con người anh chưa bao giờ nghĩ là sẽ gặp, và rồi sẽ cố hết sức tìm lại người đàn bà từng có lúc anh yêu, sẽ làm tất cả những gì trong sức mình để cứu nàng, để níu giữ nàng…

Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ

Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ

Liệu có gì chung giữa viết văn và chạy bộ? Có, Haruki Murakami trả lời, giản dị, tự tin, bằng hành động viết và bằng cuộc sống của chính mình. Nhà văn Nhật Bản nổi tiếng, tác giả Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển… bên cạnh khả năng viết xuất chúng còn là một người chạy bộ cừ khôi.

Trong cuốn sách nhỏ mà thú vị này, bằng giọng văn lôi cuốn, thoải mái nhưng đầy sức mạnh, Murakami kể về quá trình tham gia môn chạy bộ cùng những suy tưởng của ông về ý nghĩa của chạy bộ, và rộng hơn nữa, của vận động cơ thể – sự tuân theo một kỷ luật khắt khe về phương diện thể xác – đối với hoạt động chuyên môn của ông trong tư cách nhà văn. Những nghiền ngẫm của Murakami về sự tương đồng giữa chạy – hành vi thể chất – và viết văn – hành vi tinh thần – thực sự quý báu với những người đọc quan tâm đến văn chương và bản chất của văn chương, đặc biệt người viết trẻ.

Cuốn tự truyện về chạy bộ này không đặt cứu cánh truyền đạt bí quyết làm sao để khỏe mạnh (dù nó hoàn toàn làm được điều đó), mà giúp những bạn đọc yêu mến Haruki Murakami giải đáp câu hỏi: vì sao tiểu thuyết gia này có một sức sáng tạo dồi dào như thế.

Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương

Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương

Aka trong Akamatsu nghĩa là Đỏ

O trong Oumi nghĩa là Xanh lơ

Shira trong Shirane nghĩa là Trắng

Kuro trong Kurono nghĩa là Đen

Và Tazaki Tsukuru Không màu

Họ – năm người bạn đã từng chơi rất thân với nhau.

Họ – một ngày nọ, đã loại trừ một sắc thái màu mang tên Tazaki.

Vì Không màu quá mơ hồ, nhợt nhạt hay quá khác biệt?

Không có lời giải đáp nào cho câu hỏi trên.

Đây là tác phẩm mới nhất của Murakami sau bộ tiểu thuyết “dài hơi” 1Q84. Cuốn sách được khởi nguyên từ một truyện ngắn như lời Mura tâm sự: “Ban đầu tôi định viết một truyện ngắn nhưng tôi càng viết, nó tự nhiên càng dài ra. Chuyện này không thường xảy ra với tôi lắm, có lẽ là lần đầu tiên kể từ khi viết Rừng Na Uy.”

Tazaki cũng gặp phải cú sốc tinh thần đầu đời (một kiểu san chấn tâm lý) như nhiều nhân vật chính khác trong các tác phẩm trước đó của Murakami. Một vết thương lòng đớn đau ở tuổi hai mươi. Tazaki bị đẩy ra ngoài nhóm bạn với lời nhắn gửi cuối cùng “đừng gọi nữa”. Cô đơn trong kí ức, hoài niệm. Cô đơn nơi thực tại mơ hồ. Cô đơn trong nỗi đau, hoài nghi. Anh mặc định mình là một kẻ trống rỗng, không bạn bè..

Người Tình Sputnik

Người Tình Sputnik

Mùa xuân năm hai mươi hai tuổi, Sumire yêu lần đầu tiên trong đời. Một tình yêu mãnh liệt, một cơn lốc xoáy thực sự quét qua các bình nguyên – san phẳng tất cả những gì nó gặp trên đường, tung mọi thứ lên trời, xé chúng ra từng mảnh, nghiền nát thành từng miếng. Cơn lốc không hề giảm cường độ khi băng qua đại dương, biến Ăngko Vat thành đồng hoang tàn, thiêu cháy rừng già Ấn Độ với hổ báo và muôn loài, rồi biến thành cơn bão cát sa mạc vùng vịnh Ba Tư, chôn vùi cả một thành phố pháo đài kỳ lạ dưới biển cát. Tóm lại, đó là một tình yêu thực sự vĩ đại. Người Sumire đem lòng si mê hoá ra lớn hơn cô mười bảy tuổi. Đã có gia đình. Và, phải nói thêm, là phụ nữ. Đây là nơi tất cả bắt đầu, và là nơi tất cả kết thúc. Gần như tất cả.

“…Ngay khoảnh khắc Miu chạm tay vào tóc cô, Sumire đã yêu, giống như cô đang băng qua một cánh đồng thì đùng! một tia sét giáng thẳng xuống đầu cô. Một điều gì đó giống như một mặc khải nghệ thuật. Do vậy, khi đó Sumire chẳng thấy có gì đáng quan tâm trong việc người cô yêu tình cờ lại là một phụ nữ.

Sumire gật đầu ngay tắp lự. Thậm chí cô không cần phải nghĩ ngợi về điều đó. Xét cho cùng, thời gian rảnh rỗi là tài sản chủ yếu của cô.

“Vậy thì sao chúng ta không ăn trưa cùng nhau nhỉ? Chị sẽ đặt một bàn yên tĩnh ở nhà hàng gần đây,” Miu nói. Chị cầm ly rượu vang đỏ người hầu bàn vừa rót, chăm chú ngắm nghía, hít ngửi hương thơm rồi lặng lẽ uống ngụm đầu tiên. Cả chuỗi cử động đó toát lên vẻ thanh nhã tự nhiên như một đoạn cadenza được người nghệ sĩ dương cầm trau luyện nhiều năm.

“Rồi chúng ta sẽ bàn kỹ hơn. Hôm nay chị thấy rất vui. Em biết đấy, chị không chắc nó được nhập từ đâu nhưng loại rượu Bordeaux này cũng không phải tồi lắm.”

Sumire giãn nét mặt và hỏi thẳng Miu: “Nhưng chị chỉ mới gặp em, và chị gần như chưa biết gì về em.”

“Đúng vậy. Có lẽ chị chưa biết,” Mui thừa nhận.

“Vậy tại sao chị nghĩ em có thể giúp chị?”

Miu lắc rượu trong cốc. “Chị luôn trông mặt mà bắt hình dong,” chị nói. “Nghĩa là chị thích khuôn mặt em, thích cách em nhìn.”

Sumire cảm thấy không khí xung quanh đột nhiên loãng ra. Bầu vú căng lên dưới làn áo. Cô máy móc vớ cốc nước và uống cạn một hơi. Người hầu bàn có bộ mặt diều hâu lặng lẽ bước nhanh đến phía sau cô và rót nước lạnh vào chiếc ly không. Tiếng đá lanh canh vang lên trong tâm trí rối bời của Sumire nghe như tiếng lầm bầm rên rỉ của một tên trộm đang nấp trong hang…”.

– “Siết chặt trái tim bạn ngay từ những dòng đầu tiên” – Los Angeles Magazine

– “Xót xa… vừa bí ẩn vừa lãng mạn… một câu chuyện thấm thía về tình yêu không được đền đáp… Nếu thích Rừng Na-uy, chắc chắn bạn cũng sẽ thích cuốn tiểu thuyết này” –AsainWeek.

Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà

Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà

Bình tĩnh đến kỳ lạ.

Dù trong sách này có người biếng ăn, bị không khí rút đi từng calo và cơ thịt hằng ngày cho đến khi chết một cách xương xẩu; dù có người đi công tác về sớm xô cửa và nhìn thẳng ngay vào mặt vợ mình đang trên một người đàn ông, dù có người đã dành suốt những ngày hè đi học chỉ để đột nhập vào nhà người ta và hít ngửi nách áo của họ thì bầu không khí chung của cả cuốn sách vẫn bình tĩnh đến kỳ lạ.

Nó phù hợp để đọc cả với những người vốn vẫn tránh Murakami vì không quen với thế giới siêu thực của ông. Hoàn toàn không có bóng dáng một cơn mưa cá, mưa đỉa, những giấc mơ nguyên tội hay thậm chí một cái giếng.

Đây là những câu chuyện đời thành đô, với những suy tư thị dân mà ai cũng có nhưng ít khi tìm được cách diễn đạt thành lời.

Cả bảy truyện đều như thế, rất bình tĩnh, dù rằng không mấy bình yên.

Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

Một tác phẩm khoa học giả tưởng, truyện trinh thám và bản tuyên ngôn của chủ nghĩa hậu hiện đại kết hợp trong cuốn tiểu thuyết dung lượng đồ sộ. Murakami đã hợp nhất Đông – Tây, bi – hài, sự thờ ơ và lòng trắc ẩn, ngôn ngữ lóng thông tục và các tư tưởng triết học siêu hình trong câu chuyện đặc sắc về toán sư 35 tuổi ly hôn trong hành trình đi xuống thế giới ngầm mang màu sắc Kafka dưới lòng Tokyo hiện đại. Kết quả là Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới với những tưởng tượng sáng tạo phóng túng và một trạng thái lắng đọng sâu xa của tâm thức, góp phần tạo nên thành công lớn làm gia tăng đáng kể lượng độc giả của Haruki Murakami trên toàn thế giới.

Tiểu thuyết Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới được trao Giải thưởng Văn học Tanizaki uy tín của Nhật Bản năm 1985.

Lắng Nghe Gió Hát

Lắng Nghe Gió Hát

Mười tám ngày của mùa hè năm hai mươi tuổi, đối với “tôi” là một kỳ nghỉ hè không sự kiện. Bất chấp những tối uống tràn ở quán Jay’s Bar cùng cậu bạn mang tên Chuột hay mối quen tình cờ với cô gái ở cửa hàng đĩa hát, thành phố quê hương ven biển mùa hè chỉ còn là gió trong “tôi”. Nhưng chuyển kể về gió, tiếng gió hát bên bờ biển, và cảm giác tuổi thanh xuân trôi qua như gió. Mười tám ngày ấy đã gói ghém cả quá khứ, hiện tại, tương lai cùng với hoang mang, mất mát và cô đơn…

Trong lời giới thiệu bản in tiếng Anh lần đầu tiên. Murakami nói rằng Lắng Nghe Gió Hát và Pinball, 1973 “chiếm vị trí quan trọng trong những thành tựu” của ông, và rằng “chúng có vai trò không gì thay thế nổi, như những người bạn từ thời xưa cũ”. Vậy nhưng, tuy tác giả có dè dặt đến mấy khi đánh giá hai tác phâm đầu tay, nhiều độc giả thủy chung của ông có thể chào đón cuốn sách như một người bạn tâm tình kinh điển, đã sớm bộc lộ những gì làm nên chất Murakami trong một hình hài xanh ngát.

Thư Viện Kỳ Lạ

Thư Viện Kỳ Lạ

Thư viện kỳ lạ kể về trải nghiệm kỳ lạ của một cậu bé. Trên đường đi học về, cậu ghé thư viện thành phố để trả hai cuốn sách đã mượn, đồng thời muốn mượn thêm sách. Nhưng cuốn sách cậu muốn mượn về chỉ có thể đọc tại chỗ. Cậu được thủ thư dẫn vào một phòng đọc lạ lùng và bị bắt phải học thuộc lòng những cuốn sách đó. Kể từ đây cậu phát hiện ra vô số những điều kỳ lạ từ thư viện này.

Cuốn sách mang âm hưởng của “Kafka bên bờ biển” với nhiều tầng nghĩa, phức tạp và gợi nhiều suy tưởng, đồng thời là một câu chuyện về sự mất mát, cô đơn. “Thư viện kỳ lạ” là một tác phẩm đáng đọc dành cho mọi lứa tuổi, với cốt truyện đủ hấp dẫn cho lứa tuổi thanh thiếu niên, đủ khơi gợi hàm ý cho lứa tuổi trưởng thành.

Thư viện kỳ lạ của Murakami được phát hành tại Nhật lần đầu tiên vào năm 1983. Phiên bản được Quảng Văn phát hành được dịch từ tiếng Nhật và sử dụng tranh minh họa của họa sĩ người Đức Kat Menschik.

1Q84

1Q84 (Tập 1)

Đừng chỉ đọc các trích đoạn nho nhỏ đăng trên những trang báo, tin tức, giới thiệu sách. Hãy mang một quyển về nhà và tự chiêm nghiệm, để thấy được tài năng của Murakami, cũng như để không bỏ lỡ một câu chuyện được kể một cách rất xuất sắc.

Bất chấp thể loại bạn yêu thích là lãng mạn, kỳ bí hay điều tra vụ án, 1Q84 đều sẽ đáp ứng được. Nói cách khác, quyển sách có đầy đủ các yếu tố hấp dẫn mọi thể loại độc giả.

Bên trong quyển sách, có một câu chuyện tình. Đó là chuyện tình từ khi còn rất nhỏ giữa Aomame và Tengo. Một khoảnh khắc nắm tay để rồi mãi hàng chục năm sau, cả hai vẫn mang trong lòng nỗi mong mỏi được gặp lại, được bộc bạch nỗi lòng với người kia.

Có một câu chuyện huyền bí về giáo phái Sakikage, về Người Tí Hon dệt nên Nhộng Không Khí, về thế giới có hai mặt trăng cùng tồn tại, nơi khiến người ta nghi ngờ về logic trong chính đầu óc của mình – đến mức Aomame không còn tin rằng mình đang sống ở năm 1984, rằng cô đang tồn tại ở một không gian gọi là năm 1Q84 (Q nghĩa là Question).

Rồi lại có những tội lỗi đan xen. Một Bà chủ muốn đưa những gã đàn ông đốn mạt sang thế giới khác trong yên lặng, và Aomame là cánh tay đắc lực của bà với ngón nghề điêu luyện. Một Lãnh tụ tà giáo làm trò xằng bậy mà không ai hay biết. Một quyển tiểu thuyết được chỉnh sửa để thắng giải Tác giả mới và trở thành Best-sellers đình đám..

Giết Chỉ Huy Đội Kỵ Sĩ

Giết Chỉ Huy Đội Kỵ Sĩ, Tập 1: Ý Tưởng Xuất Hiện

“Có thể một ngày nào đó tôi sẽ vẽ được chân dung của thứ không có. Như một họa sĩ đã vẽ được bức tranh Giết chỉ huy đội kỵ sĩ. Nhưng để làm được vậy, tôi cần có thời gian. Tôi phải làm bạn với thời gian.”

Rời khỏi người vợ đã đơn phương đòi ly hôn, “tôi” – chàng họa sĩ vẽ chân dung ba mươi sáu tuổi lang thang khắp nẻo đường rồi dừng chân tại một biệt thự nằm giữa khu rừng âm u trên đỉnh ngọn núi trông về phía biển, và sống tiếp tại đó trong nỗi cô đơn thăm thẳm. Không lâu sau, con cú đại bàng trên gác mái và tiếng chuông kỳ quái lúc đêm khuya đã khơi mào một chuỗi hiện tượng bí ẩn, dẫn dụ “tôi” bước vào chuyến phiêu lưu tâm linh huyền hoặc. Người đàn ông tóc bạc trắng xuất hiện từ bên kia thung lũng xanh biếc, ngôi miếu với căn hầm đá trong rừng, đĩa hát cũ, “Chỉ huy đội kỵ sĩ”… những chi tiết nửa thực nửa hư chậm rãi hiện hình trong bức tranh siêu thực u hoài, lạnh gáy của Murakami.

Ngầm – Haruki Murakami

Ngầm – Haruki Murakami

Tháng Ba năm 1995, thủ đô Tokyo của Nhật Bản rung chuyển bởi một cuộc tấn công vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nước này nhằm vào thường dân – các hành khách của hệ thống tàu điện ngầm Tokyo. Chỉ mười hai chết, nhưng hàng ngàn người đã bị thương, trong đó nhiều người bị tổn thương vĩnh viễn. Khủng khiếp hơn, đây là một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, do một tổ chức tự xưng là giáo phái Aum chế tạo, lên kế hoạch và tiến hành.

Được mô tả là một tác phẩm báo chí đẫm chất văn chương, Ngầm đã khẳng định cho tài năng của Haruki Murakami – vốn hầu như không cần tranh cãi trong lĩnh vực tiểu thuyết – ở thể loại phi hư cấu. Trong loạt phỏng vấn với 60 nạn nhân của vụ tấn công và 8 thành viên của giáo phái Aum, Murakami đã đem lại cho chúng ta chân dung về những con người ở cả hai phía, bức nào cũng rõ ràng, hiển hiện như chính họ bằng xương bằng thịt, với những quan điểm cá nhân mạnh mẽ, không hề bị bóp méo để phục vụ cho bất kỳ mục đích gì.

Ngầm đem lại cái nhìn khách quan và khá toàn diện về vụ tấn công, đồng thời cố cắt nghĩa sự kiện kinh hoàng đó bằng cách nhìn sâu hơn vào những bất ổn của hệ thống xã hội đang được duy trì trong thời hiện đại, bất ổn đằng sau bề ngoài bình lặng của mỗi cá nhân, và con đường dẫn đến tội ác của những kẻ không phù hợp với hoặc đã từ chối cuộc chạy đua không mệt mỏi của chủ nghĩa vật chất trong xã hội bình thường nhưng lại cạn kiệt niềm tin vào những điều tốt đẹp khác.

Thông tin tác giả Haruki Murakami

  • Haruki Murakami sinh năm 1949, tại Nhật Bản.
  • Ông là tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước Nhật. 
  • Từ nhỏ, Murakami đã chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa phương Tây, đặc biệt là âm nhạc và văn học.
  • Ban đầu ông làm việc trong một cửa hàng băng đĩa, nơi mà một trong những nhân vật chính của ông trong tác phẩm Rừng Na Uy, Watanabe Toru, đã làm việc.
  • Một thời gian ngắn trước khi hoàn thành việc học, Murakami mở một tiệm cà phê chơi nhạc jazz có tên “Peter Cat” tại Kokubunji, Tokyo
  • Murakami viết tác phẩm đầu tay của ông khi ông 29 tuổi.
  • Vào năm 1986, Murakami rời Nhật Bản, đi du lịch qua các nước Châu Âu, và sau đó sống một thời gian ở Hoa Kỳ.
  • Murakami từng là giảng viên văn tại Đại học Princeton ở Princeton, New Jersey, và tại Đại học Tufts ở Medford, Massachusetts.
  • Vào năm 2006, Murakami trở thành nhân vật thứ sáu nhận Giải Franz Kafka của Cộng hòa Séc cho tác phẩm Kafka bên bờ biển.

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

Sách hay nhất của Louise L. Hay Tác giả Louise L. Hay, nhà ngoại cảm nổi tiếng. Sách của Louise L. Hay tập trung vào việc tự chữa lành và trao quyền cho bản thân. Sách…
Sách hay nhất của Vãn Tình Tác giả Vãn Tình, tác giả truyền cảm hứng dành cho phái nữ. Sách của Vãn Tình thường viết về thế giới của những người phụ nữ trưởng thành…
Sách hay nhất của Philip Kotler Tác giả Philip Kotler, một bậc thầy Marketing. Sách của Philip Kotler chuyên về Marketing, quản trị thương hiệu và kinh doanh. Sách hay nhất của Philip Kotler Thấu…
Back to top button