Tác giả Ayn Rand, tác gia và triết gia. Sách của Ayn Rand được viết theo phong cách không dễ hiểu, nhưng chúng mang những khái niệm triết học quan trọng, chẳng hạn như khái niệm về ý chí tự do, khái niệm về tính khách quan và khái niệm về chủ nghĩa vị kỷ.
Sách hay nhất của Ayn Rand
Atlas Vươn Mình (Atlas Shrugged)
Bản tạm thời, chưa xuất bản.
Atlas Vươn Mình (Atlas Shrugged) mô tả thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ khi các nhà công nghiệp và doanh nhân hàng đầu chống sự điều khiển bất công và thô bạo của nhà nước đối với toàn bộ ngành công nghiệp. Nhân vật chính, Dagny Taggart, giám đốc một công ty đường sắt, chứng kiến sự suy sụp của xã hội mà trong đó những người lao động ưu tú, những cá nhân xuất chúng nhất bị gạt ra rìa. Tất cả họ, những người có cả lý trí và lương tri, dưới sự lãnh đạo của một nhân vật bí mật tên là John Galt đã làm “dừng lại động cơ của thế giới”.
Quyển sách thể hiện rõ ràng những quan niệm của tác giả về thành tựu lao động, về tri thức và tinh thần tự do của con người.
Bản dịch tiếng Việt dày 1650 trang cũng chứa đựng toàn bộ những triết lý quan trọng nhất của Ayn Rand. Lúc đang còn ở dạng bản thảo đang viết, nó có tên là “The Strike”, nhưng khi được xuất bản (lần đầu vào năm 1957), cuốn sách có tựa là “Atlas Shrugged” (Atlas Vươn Mình).
Một trong những lý do khiến độc giả không thể làm ngơ cuốn sách: tác phẩm đứng đầu bảng xếp hạng “Những tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20” do độc giả của Modern Library bình chọn năm 1998 (tiểu thuyết “The Fountainhead” – Suối Nguồn cũng của Ayn Rand đứng thứ hai). “Atlas Vươn Mình” được cho là tiểu thuyết có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của nhiều độc giả Mỹ, chỉ sau Kinh Thánh (theo cuộc thăm dò của Thư Viện Quốc Hội Mỹ vào năm 1991).
Nhiều cuộc tranh luận về cuốn sách xảy ra kể từ lúc cuốn sách được xuất bản lần đầu, và liên tục được đào xới lại cho đến tận ngày nay. Sức sống của nó không chỉ ở nước Mỹ mà còn lan ra khắp thế giới.
Suối Nguồn
Suối Nguồn có hơn 6,5 triệu bản đã được bán trên khắp thế giới và tác phẩm đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác, trong đó có tiếng Việt.
Nhân vật chính của tác phẩm, Howard Roark, là một kiến trúc sư trẻ theo chủ nghĩa cá nhân, quyết chọn cho mình con đường tranh đấu dù đầy chông gai hơn là phải đem đam mê và quan điểm của mình ra để thỏa hiệp.
Tác phẩm theo dấu hành trình của anh trên con đường hoạt động kiến trúc theo trường phái hiện đại, trường phái mà anh cho là ưu việt hơn so với lối kiến trúc truyền thống mà hầu hết tất cả mọi người tôn thờ.
Bằng cách xây dựng những mối quan hệ với những nhân vật khác chung quanh Howard Roark, Ayn Rand lột tả nhiều hình mẫu nhân cách con người, tất cả đều khác với hình mẫu lý tưởng mà bà đặt vào Howard Roark. Bà miêu tả đám người kia là “second-handers” (“những người sống thứ sinh” – bản dịch Nhà xuất bản Trẻ) là những kẻ sống phụ thuộc, tồn tại nhờ vào người khác. Những mối quan hệ phức tạp giữa Howard Roark và những nhân vật khác, có người giúp, có người cản trở, thậm chí cả hai, làm cho tác phẩm rất giàu kịch tính và đậm tính triết lý.
Qua ngòi bút của Ayn Rand, Howard Roark trở thành hiện thân của linh hồn con người và cuộc đấu tranh của anh đại diện cho chủ nghĩa cá nhân đối lập với chủ nghĩa tập thể.
Cùng danh mục: