Sách hay nhất của Anh Khang

Anh Khang sinh năm 1987, tên đầy đủ là Quách Lê Anh Khang. Anh từng theo học Khoa Báo chí và Truyền thông – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Anh thường viết những bài báo ngắn trên Facebook về nỗi buồn và tình yêu. Kể từ đó, anh bén duyên với nghề viết văn và trở thành nhà văn viết văn xuôi bán chạy Việt Nam.

Tác giả Anh Khang thường được gọi là nhà văn của nỗi buồn tuổi trẻ. Sách của Anh Khang thường mang một thứ cảm xúc rất con người, rất nhân văn mà bất kỳ một người trẻ nào cũng phải trải qua trên hành trình trưởng thành và đi tìm lẽ sống của chính mình.

Sách hay nhất của Anh Khang

Đi Đâu Cũng Nhớ Sài Gòn Và… Em

Đi Đâu Cũng Nhớ Sài Gòn Và… Em

Phần đầu cuốn sách mang tên “Tim mỗi người là quê nhà nhỏ”. Đó là tất cả hoài niệm về Sài Gòn xưa, về gia đình, về nơi chốn neo lòng và về những người từng khiến thanh xuân của chúng ta xao động. Đó cũng có thể là tâm sự của bất kỳ đứa con nào cho quê hương đẹp đẽ đang dần thay lớp áo mới. Đó cũng là tất cả kỷ niệm về một tình yêu đầu đời trong lành và rất đỗi hồn nhiên, để đến khi rời xa rồi con người ta mới nhận ra chúng ta yêu một thành phố là bởi vì ở đó có một-ai-đó thân thương nhất của mình.

Với phần 2 “Ai qua bao chốn xa” – những trang viết du ký về những thành phố, vùng đất Anh Khang đã đi qua, có thể nói là phần hấp dẫn nhất của cuốn sách. Bạn hãy chuẩn bị trên tay chiếc di động, để có thể dễ dàng “Google” những vùng đất, những địa danh, những thức quà mà Anh Khang kể. Bởi chắc chắn chẳng ai có thể cầm lòng được trước những lời văn đầy cuốn hút được viết trải dài từ Cựu lục địa ở trời Âu cho đến các vùng cát nóng ở Trung Đông.

Phần 3 mang tên “Thấy vui đâu cho bằng mái nhà” khép lại cho nỗi nhớ “Sài Gòn và Em”. Bởi lẽ, “hạnh phúc của mọi cuộc hành trình rốt cục không nằm ở đoạn đường đã đi, mà chính ở khi quay về. Thấy vẫn có một bóng hình đứng chờ lặng lẽ, những kỷ niệm be bé ban sơ vẫn mỉm cười đón mình trở lại. Rưng rưng nhận ra, những thân thương xưa cũ hình như vẫn chưa một lần bội bạc. Dẫu mình đã khác lắm sau ngần ấy tháng năm.”

Thả Thính Chân Kinh

Thả Thính Chân Kinh

Thả thính chân kinh, với mạch cảm xúc của một trái tim từng trải quá nhiều cảm xúc buồn vui trong tình yêu và cuộc sống, văn của Khang đẹp và buồn và trong sáng và đầy hy vọng, như chính con người và tính cách của Khang. Tập sách trẻ trung và thú vị cùng nhiều cung bậc cảm xúc về tình yêu, mách nước cho các cậu trai cô gái cách “thả thính” làm sao cho đối tượng mình thầm thương trộm nhớ phải “gục ngã”. Nhưng sâu hơn, xa hơn những lời ngọt ngào có cánh là thái độ vui sống sau bão giông tình trường, là cách hành xử văn minh sau khi tình yêu bỏ ra đi.

Thả thính chân kinh là hành trình tìm kiếm chân tình của những người trẻ, có vấp váp, có tổn thương, thậm chí đau đớn nhưng tác giả đã gởi một thông điệp rất rõ ràng: Hãy không ngừng tin tưởng vào tình yêu và bản thân mình, rồi chân tình sẽ đến.

Và, bạn sẽ thấy đâu đó dáng hình của mình những ngày ngu ngơ cũ, thật buồn mà cũng thật đẹp, vì nếu thật là tình yêu thì tình yêu luôn luôn đẹp…

Buồn Làm Sao Buông

Buồn Làm Sao Buông

Cuộc đời vốn nhiều nỗi buồn, hẳn vậy. Có điều, tôi lại dành khá nhiều nỗi buồn của những ngày còn trẻ cho duy nhất một điều – là Tình yêu. Nghe qua có vẻ vị kỷ, bởi ngoài kia còn biết bao điều đáng để chùng chân, nặng lòng và nghe nước mắt lưng tròng rơi, tại sao cứ phải cố chấp vì tình yêu đã cũ mà tự làm mòn xói đi cảm xúc của mình? Chắc bởi vì có những ký ức dù đã hao gầy cách mấy nhưng giống như không khí vậy, cứ phải nhắc đi nhắc lại, tựa hơi thở một phút phải đủ chừng ấy lần. Chỉ cần thiếu mất sẽ không thở được, thậm chí phải ngừng nhịp tim đi.

Thế nên, chừng nào còn thở là chừng ấy còn nhớ và buồn. Đều đặn. Bình lặng. Kiên tâm. Ký ức sở dĩ không thể mất mát là bởi chúng ta còn quá trẻ trước trăm năm, những ngày đã qua xem ra ít ỏi lắm nếu so với con đường còn dài trước mắt. Vì lẽ đó mà những lần đầu tiên chạm ngõ ký ức luôn để lại trong lòng những xốn xang, bần thần và khắc sâu hơn cả.

Phải học cách buông bỏ nỗi buồn để đôi tay thảnh thơi mà nâng chiều niềm vui sắp tới…

Bởi buồn hay vui, buông hay giữ, đều do ở lòng mình!

Thương Mấy Cũng Là Người Dưng

Thương Mấy Cũng Là Người Dưng

Thương mấy cũng là người dưng được tác giả viết “trong những ngày tủi thân nhất của thanh xuân mình. Cái quãng đời đã bước qua đủ nhiều cuộc yêu để tự thấy mình không còn dư dả tuổi trẻ, niềm tin và tình thương để phung phí; thành ra chỉ muốn nắm thật chặt bàn tay của người bên cạnh, bình bình đạm đạm đi đến cuối. Nhưng thế sự tuyệt đối khó toại lòng người, và chân tình ở đời hiếm khi buộc ràng trong khái niệm vĩnh viễn như mình mong đợi. Bởi nên, mọi tủi buồn của tuổi trẻ, chung quy cũng vì hai chữ hết yêu”.

Một thực tế là giới trẻ ngày nay khá dễ yêu, dễ chán và vì thế, dễ buồn. Thế nên với tựa sách Thương mấy cũng là người dưng, Anh Khang xem đó như là một lời trấn an và động viên tinh thần những người từng có một thời tuổi trẻ đi qua đổ vỡ tình cảm. Và câu nói “thương mấy cũng là người dưng” như nhắc lại danh phận của chúng ta với nhau trong cuộc đời này và xoa dịu những nỗi buồn mà thanh xuân ai cũng vài lần đối diện. Bởi như chính tác giả đã viết trong lời mở đầu: “tình thương dành cho một người dưng xa lạ, ngay từ đầu đã định sẵn là hoang phí bất khả vãn hồi. Người dưng thôi mà, sao lại cưỡng cầu họ phải có trách nhiệm với thương nhớ yêu ái của bạn dành trao cho. Người dưng thôi mà, có thương nhiều bao nhiêu cũng đâu thể xoay chiều sự thật hiển nhiên ở đời rằng, máu thịt ruột rà còn chưa chắc sống đời với nhau, huống hồ là người dưng nước lã”.

Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh

Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh

Bên cạnh những câu văn xuôi trầm bổng như thơ – thế mạnh đặc trưng trong văn của Anh Khang – thì Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh cho thấy rõ người viết trẻ này rất có ý thức trong việc xây dựng cấu trúc hình thức truyện. Anh Khang không vội vã để người đọc tiếp xúc ngay với nội dung chính trong các truyện ngắn của anh. Như một người bạn dẫn đường chân thành, anh chậm rãi hướng dẫn người đọc những bước chuẩn bị cần thiết trước khi thâm nhập vào tâm tình sâu kín của các nhân vật. Mười truyện ngắn trong tập truyện này đều bắt đầu bằng một đoạn trích dẫn ngắn thể hiện quan điểm nhất quán của câu chuyện, nó như một lời tự sự của chính tác giả để khởi nguồn suy nghĩ cho nhân vật chia sẻ về cuộc sống, về tình yêu. Sau khoảnh khắc lắng đọng súc tích ấy là phần “Dẫn đề” với những chia sẻ quan điểm của Anh Khang về câu chuyện, vừa dưới góc nhìn của người ngoài cuộc, vừa dưới góc nhìn của người trong cuộc đã từng trải. Qua hai bước chuẩn bị trên, cuối cùng độc giả mới chính thức bước vào câu chuyện anh kể. Có thể tạm chia cấu trúc một truyện ngắn của Anh Khang thành ba phần như sau: Lời tựa – Dẫn đề – Câu chuyện. Ba phần này như ba góc khác nhau của một “kim tự tháp cảm xúc”, chúng va đập vào nhau tạo ra vọng âm đa thanh cho câu chuyện. Có thể nói, Anh Khang là nhà văn trẻ hiếm hoi trên thị trường sách trẻ hiện nay có thể biến hóa ngòi bút đa dạng với nhiều thể loại khác nhau, chứ không đơn thuần chỉ viết sách tản văn để “chiều lòng” thị hiếu như nhiều cây bút trẻ đương thời.

Những câu chuyện trong Trời Vẫn Còn Xanh, Em Vẫn Còn Anh diễn ra dưới nhiều nơi chốn mà Anh Khang đã đi qua, thể hiện nhiều cảm thức văn hóa khác nhau: Trời vẫn còn xanh (Hy Lạp), Kinh thành ký ức (Pháp), Rồi sẽ có một ai đó thương em (Hàn Quốc), Khóc dưới chân Nguyệt Lão (Hong Kong), Đừng nhắc chuyện đã từng (Nhật Bản), Đôi lúc cũng nên hoang đường (Úc)… Nhưng những nhân vật của Anh Khang dù đi xa đến đâu cũng luôn giữ trong tim một bóng hình, một tình yêu. Vì vậy, không gian thay đổi liên tục trong truyện của Anh Khang không phải là để nhân vật khám phá những điều mới mẻ của ngoại cảnh, ngược lại, đi xa dường như là cách để họ nhìn lại bản thân mình trong sâu thẳm, là cách để họ gặp gỡ lại một-phần-đã-mất-của-mình và cũng là cơ hội để họ gặp gỡ những con người sẽ-là-một-phần-của-mình. Đó là cách họ vượt qua mất mát.

Người Xưa Đã Quên Ngày Xưa

Người Xưa Đã Quên Ngày Xưa

Người xưa đã quên ngày xưa – nghe như một tiếng thở dài, trầm buồn, thê thiết. Những tưởng rồi Anh Khang sẽ lại mang đến những nỗi buồn cũ đã gặp trong các cuốn sách trước của anh, những tưởng sẽ chỉ là những điều lặp lại, tuần hoàn, như tình cảm vốn dĩ trong mỗi người: Dẫu biết rằng tình đã hết ở người – nhưng còn ở mình, có nói cũng chỉ là chuyện cũ, nhưng chuyện cũ nói bao giờ mới hết, mới cạn vơi?

Nhưng may mà, dẫu buồn, những câu văn của Anh Khang vẫn còn trong đó chút an yên, chút bình tâm: Bởi đến sau cùng, tuổi trẻ rồi cũng qua. Ước mơ đôi lúc bất thành. Tình yêu có thể không trọn vẹn. Nhưng những gì hồn nhiên trong trẻo nhất của mối tình đầu đẹp đẽ ấy, sẽ luôn còn lại, lấp lánh trong tim… Cảm ơn người, vì đã từng một lần nắm lấy tay nhau.

Đường Hai Ngả – Người Thương Thành Lạ

Đường Hai Ngả – Người Thương Thành Lạ

Đường hai ngả, người thương thành lạ gồm 10 truyện ngắn về 10 thành phố và đất nước mà tác giả đặt chân đến, từ Cairo, Yangon, Bali đến Thượng Hải, Chiang Mai, Singapore… Lấy bối cảnh về văn hóa bản địa và lối sống sinh hoạt của người dân địa phương, Anh Khang đã kể lại những câu chuyện tình man mác và phảng phất bóng dáng của những mối tình mà bất kỳ ai sống dưới bất kỳ khoảng trời nào cũng từng đã trải qua.

Đó có thể là chuyện tình “đúng lúc – sai người” của người thứ ba trên đất Phật Myanmar để từ đó ngẫm lại lời dạy về Duyên nợ và Nghiệp báo (truyện “Ba lần là Duyên – Ba người là Nghiệp”). Hoặc câu chuyện về cách xây dựng Kim tự tháp ngày xưa để kết nối các phiến gạch cổ qua đó gợi nhắc cho con người ở hiện tại về cách kết nối hai tâm hồn (truyện “Cả khi thành tro bụi, vẫn thổi về phương anh”). Hay thậm chí từ câu chuyện thả lồng đèn trời ở Thái Lan để chiêm nghiệm về triết lý “Lửa đã cháy bỏng đến độ buộc phải buông, cũng như nỗi đau này, cứ đau đến tận cùng, tự khắc biết cách từ bỏ” (truyện “Lỗi hẹn với Thiên đăng”).

Trên hết, Đường hai ngả, người thương thành lạ, như chính tác giả chia sẻ: “Là tất cả những gì mà bản thân muốn viết cho một người-thương-đau-nhất. Một người mà mỗi lần nghĩ về là ngay lập tức lại nghĩ về những ký ức dịu dàng nhất, dẫu cho rằng chỉ là sự dịu dàng thoáng chốc để khỏa lấp một nỗi đau dong dài…

Nhưng nhớ cho rằng, Trái đất vẫn quay – không vì một ai mà dừng lại. Có thở dài, có buông tay, có khóc như trẻ dại thì sáng mai khi mặt trời thức dậy, chúng ta vẫn phải bước tiếp trên con đường còn quá rộng dài đã chia làm hai…”

Những Năm Tháng Đó Có Tôi Yêu Người

Những Năm Tháng Đó Có Tôi Yêu Người

Sau 7 năm viết lách, với 7 cuốn sách, từ tản văn, truyện ngắn, đến du ký; lần này, cuốn sách thứ 8 của Anh Khang là một tập thơ. Lại còn là một tập thơ do chính mình chép tay. Quả thật, có chút ái ngại. Ngại thơ của mình chưa đủ “thơ”. Ngại chữ của mình chưa đủ rõ.

Và vì tất cả những ái ngại lần đầu đó, nên thật lòng Khang muốn cúi đầu thật sâu và cảm ơn thật lâu, nếu bạn đang cầm trên tay cuốn “nhật ký bằng thơ viết tay” này. Vì đủ kiên nhẫn đọc thơ của người lần đầu in thơ. Vì đủ kiên trì đọc từng nét chữ viết tay rối rắm. Và vì đủ kiên tâm để nhớ về “những năm tháng đó”, mình đã từng rất thương một người.

Vì là “nhật ký” nên những bài thơ trong này, có khi là những tâm trạng thất thường chỉ vỏn vẹn 2 dòng lục bát, có khi lại là những tâm sự kể lể qua mấy khổ thơ. Có những bài thơ được Khang viết từ năm 14 tuổi, có những bài được trích lại từ những cuốn sách đã in trước đây, và cũng có bài viết vừa ráo mực mà nét bút còn lem vội ở dấu chấm cuối cùng. Mọi điều tự nhiên nhất của cuốn “nhật ký viết tay”, từ con chữ nào bị gạch bỏ, đôi chỗ run tay, lệch dòng đều được Khang giữ lại, như một sự trao gửi thân tình của một bức thư tay, hay một tờ bưu thiếp, từ người bạn cũ, gói trọn đủ đầy thương mến lâu năm. Để hy vọng chúng ta có thể tìm thấy chính mình – trong trẻo và an lành – như những năm tháng còn nhau.

Chỉ tiếc là những năm tháng đó, chúng ta đều không biết cách yêu sao cho đúng.

Nhưng đến khi biết ra, thì người cũng đã đi xa.

Lâu rồi

Chỉ luôn còn lại đây một lời nhắc nhớ – như một câu hứa tự lòng mình đinh ninh – dẫu chẳng cần ai phải hồi đáp: “Những năm tháng đó, có tôi yêu người”.

Ngày Trôi Về Phía Cũ

Ngày Trôi Về Phía Cũ

Chỉ là những cảm xúc được góp nhặt sau một-vài-lần yêu, những tản văn – tùy bút được tác giả viết như một cách cất giữ những điều xưa cũ của một thời non trẻ. Tác giả gom hết người cũ – chuyện xưa và gọi tên những trang viết này là “Ngày trôi về phía cũ”. Chưa đủ dày dặn để gọi là “hồi ký của yêu thương”, cũng chưa hẳn là những lời hoa mỹ để dán mác “thư tình”, tất cả chỉ là những cảm xúc lửng lơ của những người trẻ vừa bước vào yêu.

Có niềm tin lẫn thất vọng, có ngọt ngào lẫn cực đoan, nhưng tất cả rồi cũng trôi về phía sau và yên mình khép mắt, ngủ một giấc say nồng trong chăn ấm nệm êm mang tên “Kỷ niệm”.

Có thể bạn sẽ choáng ngợp bởi tất cả những cảm xúc vụn vặt được góp nhặt thành câu chữ dưới đây đều chỉ viết về Tình yêu. Chẳng lẽ cuộc sống của những người trẻ bây giờ chỉ có thế thôi sao? Hẳn nhiên không phải vậy. Nhưng nếu để nhớ lại những ký ức của một thời tuổi trẻ, chắc hẳn nhiều người – sẽ nghĩ đến những cảm xúc yêu thương trước nhất. Bởi một lẽ đơn giản, khi người ta trẻ, người ta còn dư dả những niềm tin trong lành nhất để trao đi và nhận lại yêu thương. Biết đâu những người cùng thế hệ 8X sẽ bắt gặp mình đâu đó trong những cảm xúc nhặt nhạnh này, để nhắc nhớ mình về ngày cũ – người xưa. Nhớ nhung không phải để níu chân hay làm lòng bỗng dưng chùng lại, chỉ là để dặn dò hiện tại rằng hãy biết sống xứng đáng với quãng thời gian đa trôi về phía sau. Biết đâu một lúc nào đó quay về nhận mặt năm tháng, người ta sẽ thấy nhẹ lòng xiết bao khi thấy rằng những khoảnh khắc đa qua dù vui hay buồn, dù còn lại hay trôi xa, vẫn sẽ là những cảm xúc đã nuôi lớn “Tôi” của bây giờ.

Thông tin tác giả Anh Khang

  • Anh Khang sinh năm 1987, tên đầy đủ là Quách Lê Anh Khang. Anh từng học tại khoa Báo chí và Truyền thông – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.
  • Ngày trôi về phía cũ là tác phẩm đầu tiên được xuất bản của Anh Khang, vào năm 2012.
  • Hiện tại Anh Khang sống tại TP.HCM. Phần lớn gia đình anh đã sang Mỹ định cư.
  • Có thời gian Anh Khang cộng tác với tờ báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần ( 2008 – 2012 ),
  • Anh Khang hay viết những bài viết ngắn đăng trên Facebook về nỗi buồn và tình yêu. Các bài viết được mọi người chia sẻ nhiều và hưởng ứng. Sau đó anh thử tổng hợp lại và gửi cho các nhà xuất bản. Từ đó bén duyên với nghề viết và trở thành tác giả viết tản văn bán chạy tại Việt Nam.
  • Anh Khang có sở thích hay ngồi mấy quán cà phê đẹp ngắm nắng, nhìn chuyển động cuộc đời xung quanh, rồi viết (không phải đánh máy).
  • Anh Khang từng tham gia chương trình “Én vàng nghệ sĩ”.
  • Tập thơ đầu tay Những năm tháng đó có tôi yêu người, được trình bày dưới định dạng chữ viết tay của chính Anh Khang.
  • Hiện là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM
  • Viết chữ, với Anh Khang, cũng là cách để thiền.

Triết Heidegger

Tôi là Triết Heidegger, một người yêu sách cuồng nhiệt và là một blogger thích khám phá những chiều sâu của triết học. Tôi có niềm đam mê học hỏi và khám phá những ý tưởng mới, điều này đã thúc đẩy tôi không ngừng giáo dục bản thân về các chủ đề từ văn hóa, lịch sử, con người và văn học. Khi rảnh rỗi, tôi dành cả ngày tại các thư viện địa phương để đọc tất cả những gì tôi thích. Là một người học suốt đời, tôi luôn tìm kiếm những thử thách mới để mở rộng nền tảng kiến ​​thức của mình hơn nữa.

Nhiều người đọc:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Cùng danh mục:

Sách hay nhất của Keith Ferrazzi Tác giả Keith Ferrazzi, một chuyên gia về lãnh đạo. Những cuốn sách của Keith Ferrazzi viết về khả năng lãnh đạo, các mối quan hệ và cách để…
Sách hay nhất của Lobsang Rampa Tác giả Lobsang Rampa, nhà sư Phật giáo Tây Tạng. Sách của Lobsang Rampa dựa trên truyền thống Tây Tạng, là sự kết hợp của triết học, tâm linh,…
Sách hay nhất của John Gray Tác giả John Gray, một tác giả và nhà tâm lý học. Sách của John Gray tập trung vào chủ đề mối quan hệ giữa cá nhân và xã…
Back to top button